Thủ tục | Thủ tục bán đấu giá tài sản
Thủ tục bán đấu giá tài sản

Điều 10. Người có tài sản bán đấu giá

Người có tài sản bán đấu giá quy định tại khoản 6 Điều 2 của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP là cá nhân, tổ chức sau đây:

1. Chủ sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản.

2. Người có trách nhiệm chuyển giao tài sản để bán đấu giá là cơ quan quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý sử dụng hoặc chủ trì xử lý tài sản nhà nước.

4. Ngân hàng, tổ chức tín dụng đối với tài sản bảo đảm.

5. Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự, cá nhân, tổ chức khác có thẩm quyền xử lý tài sản của người khác thông qua bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.  

Điều 11. Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản

1. Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản được lập chi nhánh ở trong và ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Chi nhánh của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về bán đấu giá tài sản.         

2. Trong trường hợp doanh nghiệp bán đấu giá tài sản lập chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản về việc lập chi nhánh cho Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh.

 Trường hợp doanh nghiệp lập chi nhánh tại tỉnh, thành phố khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở của chi nhánh, kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh.  

3. Nội dung thông báo của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản nêu tại khoản 2 Điều này gồm các nội dung sau đây:

a) Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

b) Ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp;

c) Tên chi nhánh;

d) Địa chỉ trụ sở chi nhánh;

đ) Nội dung, phạm vi hoạt động của chi nhánh;

e) Họ, tên, nơi cư trú, số Giấy chứng minh nhân dân của người đứng đầu chi nhánh.

4. Đối với doanh nghiệp bán đấu giá tài sản đồng thời có chức năng thẩm định giá, nếu doanh nghiệp hoặc chi nhánh của doanh nghiệp hoặc các tổ chức trực thuộc doanh nghiệp, đơn vị kinh tế mà doanh nghiệp đó có cổ phần chi phối đã tiến hành thẩm định giá tài sản để bán đấu giá thì doanh nghiệp bán đấu giá tài sản không được đồng thời tiến hành bán đấu giá tài sản đó.

Điều 12. Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt

1. Việc xác định tài sản nhà nước có giá trị lớn, phức tạp do đại diện chủ sở hữu có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp là trường hợp đã hết thời hạn thông báo công khai về việc thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện bán đấu giá tài sản mà không có tổ chức nào đăng ký tham gia hoặc đã tiến hành đấu thầu mà không có tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp nào trúng thầu.

Thông báo công khai về việc thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện bán đấu giá tài sản phải được gửi cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp tại địa phương và phải được thông báo ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ba ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương.

Điều 13. Quy chế bán đấu giá tài sản

1. Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, Hội đồng bán đấu giá tài sản ban hành quy chế bán đấu giá tài sản của tổ chức mình phù hợp với quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP; thực hiện nghiêm túc quy chế bán đấu giá tài sản trong quá trình tổ chức bán đấu giá.

2. Quy chế bán đấu giá tài sản bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:  

a) Điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu giá;

b) Quy định về phí tham gia đấu giá, tiền đặt trước;

c) Quy định về cách thức đấu giá;

d) Nguyên tắc xác định bước giá;

đ) Quy định về việc rút lại đăng ký tham gia đấu giá, xử lý khoản tiền đặt trước của người đăng ký tham gia đấu giá khi rút lại đăng ký tham gia đấu giá trong thời hạn đăng ký;

e) Các trường hợp không được tiếp tục tham gia đấu giá;

g) Các trường hợp không được trả lại tiền đặt trước;

h) Nội dung cần thiết khác liên quan đến việc tổ chức bán đấu giá tài sản

Điều 14. Niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản

1. Tổ chức bán đấu giá tài sản thực hiện niêm yết việc bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.

2. Đối với tài sản bán đấu giá là bất động sản, khi niêm yết tại nơi có bất động sản thì tổ chức bán đấu giá tài sản lưu tài liệu, hình ảnh về việc niêm yết trong hồ sơ hoặc lập văn bản có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản bán đấu giá về việc đã niêm yết, thông báo công khai.

Điều 15. Trình tự tiến hành cuộc bán đấu giá tài sản

1. Việc tiến hành cuộc bán đấu giá tài sản phải tuân theo thủ tục bán đấu giá tài sản quy định tại Điều 34 của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, quy chế bán đấu giá tài sản do tổ chức bán đấu giá tài sản quy định.

2. Đấu giá viên công bố bước giá ngay từ khi bắt đầu cuộc bán đấu giá tài sản và có thể điều chỉnh bước giá cho phù hợp với từng vòng đấu giá trong khi điều hành cuộc bán đấu giá.

3. Đối với hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói, đấu giá viên nhắc lại giá khởi điểm, yêu cầu người tham gia đấu giá bắt đầu trả giá từ giá khởi điểm. Sau mỗi lần người tham gia đấu giá trả giá, đấu giá viên nhắc lại ba lần, rõ ràng, chính xác bằng lời nói giá đã trả cao nhất, mỗi lần cách nhau khoảng ba mươi giây. Sau ba lần nhắc lại, nếu không có người trả giá tiếp thì đấu giá viên công bố kết quả.

4. Đối với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu thì số vòng bỏ phiếu, cách thức tiến hành bỏ phiếu phải được tổ chức bán đấu giá tài sản hoặc đấu giá viên thỏa thuận với người có tài sản bán đấu giá.

Trong trường hợp thực hiện cách thức bỏ phiếu nhiều vòng thì mỗi người tham gia đấu giá được phát một tờ phiếu trả giá, ghi giá muốn trả vào phiếu của mình và bỏ phiếu vào hòm phiếu. Sau khi thu hết các phiếu đã phát, đấu giá viên công bố mức giá trả cao nhất của vòng bỏ phiếu mà không công bố tên của người đã trả giá cao nhất, tiếp tục phát phiếu cho những người tham gia đấu giá để bắt đầu trả giá cho vòng tiếp theo. Cuộc bán đấu giá kết thúc khi không còn ai yêu cầu trả giá tiếp.

5. Các hình thức đấu giá khác do người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản thỏa thuận phải tuân theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và Thông tư này.

Điều 16. Bán đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất

1. Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao xử lý việc bán đấu giá quyền sử dụng đất phải ký hợp đồng bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 25 của Nghị định số 17/2010/NĐ-CPđể thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất; thu tiền bán đấu giá quyền sử dụng đất của người mua được tài sản và thanh toán phí bán đấu giá cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp.

2. Khi thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp tiến hành các công việc sau đây:

a) Niêm yết, thông báo việc bán đấu giá, thu phí hồ sơ tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước;

b) Tiến hành cuộc bán đấu giá theo trình tự quy định tại Điều 34 của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và Điều 15 của Thông tư này, không ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá mà chuyển toàn bộ hồ sơ phiên đấu giá trong thời hạn chậm nhất là ba ngày làm việc kèm theo danh sách người mua được tài sản bán đấu giá cho Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao xử lý việc bán đấu giá quyền sử dụng đất để hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, ban hành quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất phù hợp với quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Thông tư này và pháp luật về đất đai.

Nội dung của quy chế cần quy định rõ cơ quan, đơn vị được giao ký kết hợp đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất; cơ quan, đơn vị thực hiện các thủ tục đề nghị Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ở địa phương giao cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất thì quyền và nghĩa vụ của các đơn vị liên quan phải được quy định rõ trong quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất tại địa phương.

Điều 17. Xử lý khoản tiền đặt trước trong trường hợp từ chối mua tài sản bán đấu giá là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tài sản thi hành án

1. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, khoản tiền đặt trước của người từ chối mua tài sản bán đấu giá theo quy định tại Điều 39 của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thuộc về người có tài sản bán đấu giá là cơ quan có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Khoản tiền này được quản lý, sử dụng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.    

2. Đối với tài sản thi hành án, khoản tiền đặt trước của người từ chối mua tài sản bán đấu giá theo quy định tại Điều 39 của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thuộc về người có tài sản bán đấu giá là cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản thi hành án và được sử dụng để thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến việc xử lý tài sản, chi phí bán đấu giá tài sản đó. Khoản tiền này được quản lý, sử dụng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.     

Điều 18. Lập sổ theo dõi công việc và lưu hồ sơ

1. Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, Hội đồng bán đấu giá tài sản phải thực hiện việc lập sổ theo dõi công việc, cụ thể như sau:

a) Sổ đăng ký bán đấu giá tài sản: Theo dõi việc đăng ký tham gia đấu giá, số lượng người đăng ký và các thông tin cần thiết khác (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Sổ theo dõi tài sản bán đấu giá: Theo dõi chủng loại, số lượng tài sản bán đấu giá, kết quả bán đấu giá tài sản, thông tin của người mua được tài sản và các thông tin cần thiết khác (Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Các loại sổ quy định tại khoản 1 Điều này và hồ sơ công việc phải được lưu giữ tại trụ sở của tổ chức bán đấu giá tài sản.

Việc ghi chép, bảo quản, lưu giữ các loại sổ theo dõi, hồ sơ công việc, hợp đồng lao động, hợp đồng bán đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bán đấu giá tài sản và các quy định pháp luật khác có liên quan.

 
DỊCH VỤ ĐẤU GIÁ
HỖ TRỢ ONLINE

Hotline - 0984.545.889
Hôm nay: 248 | Tất cả: 306,987
LIÊN KẾT NHANH
 

Công ty đấu giá Hợp danh Quốc Tế-IPA
Địa chỉ : Tòa nhà 157 đường Lê Lợi - TP.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: 0984.545.889 - 0919.191.889 
E-Mail: [email protected]
Website: http://daugiataisannghean.com

ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ PHÁP LÝ
Chat ngay

0984.545.889